Untitled Document
Untitled Document

1/ SƠ LƯỢC NGUỒN GỐC & SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TỘC NGUYỄN ĐÌNH

2/ CÁC NHÂN VẬT CỦA TỘC

3/ QUÊ HƯƠNG: XỨ SỞ

4/ QUÊ HƯƠNG: KINH TẾ & ĐỜI SỐNG

5/ QUÊ HƯƠNG: VĂN HÓA XÃ HỘI

6/ QUÊ HƯƠNG: SAU NGÀY GIẢI PHÓNG

SƠ LƯỢC NGUỒN GỐC & SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TỘC NGUYỄN ĐÌNH

Theo Ông Bà kể lại, dòng họ Nguyễn Đình có nguồn gốc xa xưa từ phương Bắc, sau di cư lần về hướng Nam, đến cư trú tại đất Hoan Châu (huyện Diễn Châu, Nghệ An ngày nay). Vào giữa thế kỷ XVIII, hòa theo làn sóng Nam tiến diễn ra khắp nơi, từ Hoan Châu cũng có một đoàn người ra đi tìm đất lập nghiệp, trong đó có ông Nguyễn Túy, người bản tộc. Khi đến địa phận Quảng Nam, Ông tạm dừng chân ở vùng Chợ Vạn (làng Mậu Hòa, Chợ Củi, Duy Xuyên). Để ý quan sát các vùng lân cận và sau một chuyến vượt sông Thu Bồn, Ông chọn làng Thạnh Mỹ, nơi địa đầu Gò Nổi, cách đường Thiên lý khoảng 8 km về phía Tây, làm nơi định cư lâu dài.

Trước đây, tại Nhà thờ cả, có treo đôi liễn:

"Tố ngã bổn Trần Lưu, tiên tổ khai cơ, Nùng Nhị Bắc"

"Tùng vương thích lạc thổ, trung tôn sáng nghiệp, Điện Hành Nam"

(Tạm dịch:

Nhìn về trước, tộc ta ở quận Trần Lưu, thuộc nam sông Dương tử, Tiên tổ đã mở nền móng, công đức cao dày tựa núi Nùng, sông Nhĩ;

Theo lệnh vua, vui với đất rẫy, ngài Trung Tôn (con cháu thứ) vào lập nghiệp ở phương Nam, gần núi Ngũ hành, phủ Điện Bàn)

Câu đối súc tích này do ông Viên Nhung (chi I, thế hệ 6) biên lục vào đầu thế kỷ 20, cũng xác nhận chuyện kể trên, có hơn chăng là chi tiết Trần Lưu, nhưng cũng chẳng giúp con cháu hiểu biết thêm gì về cội nguồn. Sau này, vào cuối những năm 50 và đầu những năm 60, ông Nguyễn Bá Duy (tập kết ra Bắc, có đến Diễn Châu vài lần, cố công tìm hiểu về nguồn gốc tộc ta nhưng cũng không có kết quả. Vì vậy, chúng ta chỉ nắm được quá trình phát triển của dòng họ kể từ giai đoạn ông Nguyễn Túy dừng chân tại đất Quảng Nam mà thôi (tức vào khoảng 1770).

Chẳng bao lâu, sau khi định cư tại Thạnh Mỹ, ông Túy sánh duyên cùng bà Nguyễn Thị Chí, dòng dõi một cư tộc đến đây lập nghiệp từ trước. Ông Bà chung sống khoảng 13 năm, sanh hạ được 5 trai, 2 gái, rồi vào giữa năm Giáp Thìn (1784) Ông bỏ nhà ra đi, không rõ về hướng nào. Con cháu nghĩ rằng Ông tìm về thăm quê hương, nên an tâm chờ ngày đoàn tụ. Nhưng lâu ngày biệt tin, phần thương mẹ, phần lo cho cha, ông Nguyễn Hòa (con cả) bèn đưa gia đình về lại chợ Vạn làm ăn, nơi giao lưu của đường thiên lý Bắc Nam với đường thủy bộ từ Trường sơn đổ về, với hy vọng tìm ra tông tích của người cha. Lại thêm nhiều năm thăm dò vẫn không kết quả, thì được tin mẹ qua đời, ông Hòa phải đưa gia quyến về lại Thạnh Mỹ thọ tang. Lúc đó, tuổi ông Túy cũng đã cao, nên theo tập tục đương thời, con cháu bàn thực hiện"U hồn ấp nấm" (lập mộ giả cho Ông bên mộ Bà) suy tôn ông Túy là Thế Tổ của tộc Nguyễn Đình (người đầu tiên của tộc Nguyễn Đình ở Quảng Nam) để thờ tự song hồn, nhưng sự thật chỉ có hài cốt của Bà mà thôi. Lo mai táng xong, ông Hòa cùng gia quyến trở lại Chợ Vạn tiếp tục sinh sống. Riêng ông Tường (con thứ) qua thời niên thiếu, sống với mẹ ở Thạnh Mỹ, khi trưởng thành lại chuyển gia đình đến nhập cư tại Đông Phước (tức Đông Thành) cách đó 1km về phía Tây.

Vốn lực lưỡng và giàu đức cần cù lao động, lại gặp vùng đất mới có thổ, có phù sa, nên ông đã vượt qua mọi gian nan thử thách của giai đoạn đầu khai hoang, mở đất, nhanh chóng xây dựng cơ đồ, không những tạo được vườn nhà, mà còn mua thêm được nhiều đất đai để lại cho thế hệ sau. Năm 1928, để tưởng nhớ tộc ngoại, con cháu có trích cúng 3 sào để làm vườn từ đường cho tộc Nguyễn Văn tại Thạnh Mỹ.

Thành quả lao động của ông Tường đã thiết thực cổ vũ con cháu hăng say lao động, và chỉ sau một thời gian ngắn đã nâng đời sống kinh tế của Tộc lên một bước phát triển mới, đồng thời có sức hấp dẫn thúc đẩy ông Niệm (phái nhất, thế hệ 4 - cháu nội ông Hòa) quyết định rời bỏ Chợ Vạn về chung sống với phái nhì, chấm dứt ba thế hệ dài xa cách (khoảng năm 1886). liền sau đó, Tộc chung sức bốc phần mộ của phái nhất về cải táng ở nghĩa trang chung tại Bình Nhai. Vấn đề xây dựng nhà thờ cả cũng được đặt ra để thống nhất việc hương khói xuân thu nhị kỳ (xây xong khoảng năm 1890).

Từ ngày hội tụ, cà Tộc như được tiếp thêm nguồn sinh khí mới, nhịp độ tăng trưởng khá nhanh trên nhiều mặt, kịp đến đầu thế hệ 5, Tộc ta đã vượt các Tộc khác đến ở trước về sản xuất, tiềm lực kinh tế, học vấn, đạo đức gia phong...nên được dân trong vùng kính nể. Thời gian đầu, một vài Tộc đến trước, tự cho mình có quyền thế, đối xử với bà con ta bằng những hành động hoặc những lời nói khiếm nhã. Lúc này thế bị chèn ép đã bị phá vỡ, chính số Tộc đó trước đây có thái độ coi thường thì nay cũng tôn vinh Tộc ta là "Đại Tộc". Con cháu Tộc Nguyễn Đình cảm thấy tự hào kể từ đấy.

Sau gần 250 năm duy trì và phát triển giống nòi, Tộc ta đến nay đã sinh hạ được 10 thế hệ. Tốc độ phát triển như vậy là tương đối nhanh, tuy chưa đồng đều, gồm các chi phái như sau:

Thế Tổ: ông NGUYỄN TÚY

1/ Phái Nhất:

(Ông NGUYỄN HÒA) luôn độc đinh và đến thế hệ thứ 7 thì chấm dứt nên không chia ra chi nhánh.

2/ Phái Nhì:

(Ông NGUYỄN VĂN TƯỜNG) sinh được 6 người con trai, chia ra 6 chi như sau:

+ Chi 1: (Ông NGUYỄN HẬU) phát triển nhanh và đông nhất, hiện có đến thế hệ 10.

+ Chi 2: (Ông NGUYỄN ÂN) độc đinh, đến thế hệ thứ 4 thì chấm dứt.

+ Chi 3: (Ông NGUYỄN THÀNH) phát triển trung bình, hiện đến thế hệ thứ 9.

+ Chi 4: (Ông NGUYỄN ĐIỂN) độc đinh, đến thế hệ thứ 6 thì chấm dứt.

+ Chi 5: (Ông NGUYỄN LÝ) phát triển trung bình, hiện có đến thế hệ 9.

+ Chi 6: (Ông NGUYỄN KHÁNH) độc đinh, đến thế hệ thứ 5 thì chấm dứt.

Tóm lại, toàn Tộc ngày nay chỉ còn phái Nhì với 3 chi I, III và V (Phái Nhất và các chi II, IV, VI của phái Nhì chỉ còn con cháu ngoại).

Thế hệ thứ 5 về trước đều đã qua đời.

Cũng cần nói thêm, cho đến năm 1929 là năm tu bổ từ đường và tu chỉnh gia phả, mới có quyết nghị từ nay con cháu sẽ dùng chữ "Đình" làm chữ lót trước mỗi tên người, để dễ phân biệt với các Tộc Nguyễn khác, như đã thực hiện. Còn từ trước thì dùng chữ lót tùy tiện: chữ Văn, Quang, Chương, Quốc ... hoặc không lót, như đã thấy ở nhiều giấy tờ cũ. Nhưng dù mang chữ lót nào, mà có tên trong gia phả thì vẫn là thuộc Tộc NGUYỄN ĐÌNH ở xứ Na Kham, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày nay.

(Quay về đầu trang)

CÁC NHÂN VẬT CỦA TỘC

(Quay về đầu trang)

QUÊ HƯƠNG: XỨ SỞ

Từ xưa, Tộc Nguyễn Đình định cư ở thôn Đông Phước (sau đổi là Đông Thành, tổng Phú Khương, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cùng với 2 thôn bạn Phú Quý và Đông Mỹ hợp thành Tam Thôn, có đình Tam Thôn và Chùa Tam Thôn chung. Đất thổ cư và đất canh tác xen kẽ nhau, không có ranh giới riêng biệt, toàn đất ba châu, không có ruộng nước và công điền (đất ba châu có thể sang nhượng cho nhau do xã trực tiếp quản lý, đóng thuế cao hơn bằng tiền hay đặc sản, đất công điền không được mua bán do nhà nước trực tiếp quản lý, nộp thuế bằng thóc hoặc tiền.

Khoảng 1920, 3 thôn chuyển thành 3 xã: Điện Thành, Điện Quý và Điện Mỹ hợp thành Tam Điện, mỗi xã lại xây thêm một ngôi đình riêng.

Sau 1945, Tam Điện lại hợp với Văn Ly và Tư Phú (Đông và Tây) thành xã Chương Dương. Trước sức uy hiếp của giặc Pháp, Huyện chỉ đạo thành lập xã Điện Hồng, có thêm phần đất phía Bắc sông (thường gọi Bắc Giang) gồm Túy La, Giáo Ái, Bàu Nghè, Đa Hòa để tiện việc phối hợp kháng chiến.

Thời Mỹ - Diệm lại đổi thành xã Phú Mỹ (thêm Thạnh Mỹ, nhưng cắt bớt phần đất Bắc Giang). Sau ngày thống nhất đất nước 1975 Phú Mỹ cùng với Bảo An (Đông và Tây), Bến Đền, Phi Phú và Xuân Đài hợp thành xã Điện Quang (phần đất gò nổi nằm phía Tây Đường sắt) huyện Điện Bàn ngày nay. Giai đoạn này đất đai của Tam Điện lại có sự điều chỉnh. Cắt bỏ Gò Dành (độ 4 mẫu ta) cho Duy Xuyên và một phần đất phía Đông (độ 40 mẫu ta) cho Bảo An và Thạnh Mỹ.

Trên đây là tên gọi theo đơn vị hành chính qua các thời kỳ, nhưng theo tập tục thì xưa nay bà con ta thường gọi nôm na là quê Na Kham, Gò Nổi (có người gọi La Kham), vậy Na Kham là gì?

Nguyên từ thế kỷ XIV trở đi, theo làn sóng di dân về hướng Nam, đã có nhiều đoàn người từ phương Bắc lần lượt đến Quảng Nam tìm đất lập nghiệp. riêng Tộc ta cùng vài tộc khác, mãi đến giữa thế kỷ thứ XVIII mới đến, lúc đó Gò Nổi chỉ còn một vùng đất khai phá nham nhở, độ 4km2 phía Tây Nam Gò Nổi, gồm phân nữa là đất biền (đất bãi ven sông) dễ bị ngập lụt và phân nữa là đất thổ, trực tiếp hưởng dòng chảy của sông Thu Bồn khi có lũ lụt. Do đó, để có thể bám trụ lâu dài, cha ông chúng ta đã phải bỏ nhiều công sức để trồng bói ven bờ và cắm cừ giữa sông để nắn dòng chảy, vừa giữ được phù sa, mở rộng đất biền, vừa chống sạt lở đất thổ. Sau này vì tập trung lo kháng chiến, công việc cừ trúc bị xao lãng, nên các trận lụt dần dần xóa sạch thành quả đã đạt được qua mấy thế kỷ, nhất là trận lụt năm Thìn (1964) đã lấp hẳn con sông, biến vùng đất màu mở phù sa thành bãi cát trắng, đất thổ ven bờ cũng bị sạt lở khiến một số vườn nhà và cả vài đoạn đường cái qua làng cũng phải dời vào phía trong, diện tích trồng trọt bị thu hẹp lại có đến 1 phần 5.

Qua tìm hiểu chúng ta còn biết thêm, đã có một thời Sông con (nhánh sông Thu Bồn) chảy ven theo bực An Lâm, Thanh Châu tới gần cầu Chìm, nhưng dần dần dòng nhỏ nhích dần sang mạn Bắc, bỏ lại bờ Nam một phần đất của Na Kham, dẫn đến những cuộc tranh giành có cả xô xát. Sau nầy, (1928) giữa ta và An Lâm thực kiện, ta thắng và đặt tên đất này là Gò Dành. Khi mới đến ông bà ta có chọn khu đất thổ An Khánh, nằm giáp với Thạnh Mỹ để làm nghĩa địa, tục gọi là khu “thổ mộ” sau cứ bị sạt lở dần nên mồ mả phải dời vào khu Bình Nhai, mất đứt 30 mẫu đất thổ, so với đất thổ ở trên bực cao, nhưng trận lụt năm Tỵ (1917) đã phủ lên một lớp cát dày 2, 3 m, bà con ta thường đào tìm lớp phù sa bị vùi sâu dưới lớp cát để trồng dâu. Vị trí sân bóng trước đây mặt bằng rất thấp, sau cùng nhờ có các trận lụt bồi dần mới có.

Tất cả chứng tỏ con sông thường hay chuyển dòng lúc to, lúc nhỏ, lúc bồi, lúc lở …Và có lẽ thấy được tính thiếu ổn định trên, ông cha ta mới đặt tên cho xứ sở nhỏ bé của mình tên là Na Kham (na: thay đổi, chuyển dịch theo thời gian, kham: đất nổi lên, gò …). Ngoài đặc điểm địa lý nói trên, Na Kham còn chịu ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu trong vùng, chi phối việc phân bổ thời vụ và sinh hoạt của người dân.

Hàng năm, từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch, là mùa gió Lào (Tây Nam) với hạn hán, khí trời oi bức, gây trở ngại lớn cho sản xuất và cuộc sống; nhà dân hầu hết lợp cỏ tranh, vách liếp, nếu bất cẩn rất dễ gây hỏa hoạn, điển hình nhất là sau vụ cháy ở Thạnh Mỹ hồi đầu thế kỷ này, xóm làng xơ xác chỏng chơ, nhiều gia đình chỉ còn hai bàn tay trắng, với bao cảnh thương tâm. Thế nhưng xen kẽ giữa mùa khô nóng, lại có những đợt gió Nồm (Đông Nam) mang theo hơi nước từ biển vào, thời tiết trở nên mát mẻ dễ chịu, giúp dân làng nhanh chóng phục hồi sức lực sau một ngày lao động vất vả, mệt nhọc. Cũng có thuận lợi khác là tận dụng được sức gió, giải quyết vấn đề giao thông đường thủy: từ Gò Nổi chỉ cần 1 đêm ngủ ghe (thuyền) là sáng hôm sao có thể dạo phố Hội An thực hiện ý định của mình, và đến quá trưa khi “Nồm lên” lại ra ghe, để chỉ vài giờ sau đã về tới nhà, thật là dễ dàng thoải mái. Về mùa này, nước sông trong vắt thấy rõ cát vàng, tận đáy, còn là nơi nô đùa bơi lặn của lớp trẻ, nơi tắm rửa của dân làng sau buổi làm đồng; cũng là nơi các mẹ, các chị cặm cụi dưới nắng trưa, xúc hến đem về làm bữa “canh hến rau sưng” hoặc đĩa hến xào măng cho các cụ nhấm nhí, cũng là đặc sản của vùng.

Thời vụ tháng 4 cũng là mùa thu hoạch đậu phụng, bông và bắp, để qua tháng 5 bắt tay gieo lúa biền (có xen bắp) và tháng 8 thì tỉa lúa mùa đất thổ.

Từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch là mùa mưa lụt, có năm liền tiếp 4, 5 trận lớn nhỏ ảnh hưởng đến thu hoạch lúa biền (tháng 9) và lúa mùa chính vụ (tháng 10). Những trận lụt lớn như năm Tỵ (1917) và Năm Thìn (1964) mãi còn in nét hãi hùng trong trí nhớ người dân đất Quảng (núi lở, nước lủ mênh mông chảy xiết cuốn trôi tất cả những gì cản ngăn dòng chảy: nhà cửa, huê lợi, vật nuôi, cây cối và cả mạng người…Làm tán gia bại sản nhiều gia đình, dân tình đói khổ, tang tóc đau thương, mẹ con bà Hai Sang (thế hệ 6) và mẹ con bà Linh (thế hệ 8) cùng bị thiệt mạng.

Tuy nhiên, những trận lụt vừa và nhỏ cũng giúp ích cho ta một số mặt đáng kể: con lụt đầu mùa là dịp bà con ta đua nhau đi bắt dế bãi, có nhà bắt được vài ba chục lít, phần um mỡ nhấm rượu, thứ đem rang ăn cơm, ăn không hết thì đem làm mắm …; mỗi khi lụt băng đồng thì cá nguồn đổ về khá nhiều, hầu như nhà nào cũng sắm phương tiện đánh bắt: lờ, rung rút, trũ hoặc hợp sức nhau đặt bung, đóng đáy để bắt cá lớn 3 - 4 kg là thường; nước lủ đổ về, đồng thời cũng cuốn theo không ít gỗ, củi, dân làng thường đưa ghe đi vớt, người mạnh ra giữa dòng, kẻ yếu ven bờ, nếu trúng quả có thể đủ dùng cả năm.

Nhưng từ năm 1945 khi giặc Pháp tái chiếm, lòng sông cạn dần và đến nay nguồn lợi này cũng hầu như mất hẳn.

Từ tháng 10 trở đi là mùa mưa dầm, việc đồng áng bị đình trệ, đường sá trơn trượt, bùn ngập ống chân, việc đi lại khó khăn, cả việc chợ búa cũng đành phải tạm gác để bằng lòng với những thức ăn dự trữ: măm thơm, mắm dưa, mắm cá chuồn, cá liệt thính, khoai chà, khoai trụng, đường mật trong vò, bánh tráng làm sẵn… Đậu mè, bắp nhà nào cũng có dự trữ ít nhiều. Mùa nông nhàn, trời mưa, ngồi buồn hay bày vẽ chuyện ăn: cối xay bột đó, gà ngoài chuồng, rau trong vườn, muốn ăn mì quảng, bánh xèo…, chẳng phải đi đâu, đơn giản nhất là bắp rang ngào đường, bánh tráng cuốn rau chấm mắm cá cơm, mặc sức uống nước, muốn ăn kiểu gì cũng được, thật là no nê thoải mái.

Từ tháng 12 cho đến Tết, trời bớt mưa, bắt đầu se lạnh là mùa khẩn trương làm biền: cuốc cỏ, dọn bờ, đốt rác, xới đất, trồng dâu, đậu, bắp, thuốc lá…Công việc bề bộn thường phải mướn thêm nhân công nơi khác đến giúp, cho kịp thời vụ. Đây là mùa làm đồng nhộn nhịp nhất trong năm với khí thế hối hả để còn kịp ăn Tết, đón Xuân. Thời gian này quang cảnh ngoài biền đông vui và đẹp hẳn lên: màu nâu tươi của đất mới xới những luống song song chạy dài, luôn tỏa mùi thơm đồng nội, và chẳng bao lâu sau là cả một màu xanh mượt mà của những mầm non mới nhú, trải dài dọc theo bờ sông đến tận chân trời; phía Nam là màu xanh lam của núi rừng trông thật mát mắt. Đây đó những cột khói từ các ụ rác chưa cháy hết, uốn lượn, vươn cao hoặc tản là mặt đất xua đi cái se lạnh của gió bấc, mang lại cảm giác ấm áp vì lòng người đang mãn nguyện với khối việc vừa hoàn tất và đang nghĩ đến thành quả mà ngày mai sẽ mang lại.

Sau Tết, thời gian có rãnh rỗi hơn, với những việc như thăm đồng, làm cỏ, chăm bón, chỉ có các lò đường là phải tiếp tục lao vào việc đốn mía, nấu mật khá vất vả. Mùa này, sau những đêm trời rét, thường phát hiện có nấm rơm (nấm mọc nơi vườn rơm rạ cũ, hoặc bụi bờ), dân làng đi tìm hái về làm bánh xèo hay ít ra cũng được tô canh đậm đà hương vị.

Tháng 3 tháng 4 là mùa thu hoạch bông, đậu, bắp, hái những lá thuốc đầu tiên và cũng bắt đầu mùa dâu tằm rộn rã ngày đêm, “làm ruộng ăn cơm nằm, làm tằm ăn cơm đứng” nhưng lại khá hấp dẫn vì trúng vài “mí” là đủ xài cả năm.

Là một vùng đất bao quanh bởi sông nước phương tiện giao thông thiếu thốn và lạc hậu nên vấn đề giao lưu với bên ngoài hình như bị khép kín. Suốt 5 thế hệ đầu, cha ông chúng ta luôn quây quần làm ăn trên mảnh đất nhỏ hẹp này, ngày ngày cần cù lao động, ra vào gặp nhau, vui buồn cùng chia sẻ, luôn sống ấm cúng, đùm bọc nhau trong tình ruột thịt, chân thành đẹp đẽ, ngày nay việc giao lưu đã được mở rộng, con cháu tiếp thu được nhiều cái mới, tiến bộ, nhưng một số ít đã coi nhẹ tình cảm này, chưa trân trọng gìn giữ coi đó là truyền thống quý giá cần tiếp tục phát huy.

(Quay về đầu trang)

QUÊ HƯƠNG: KINH TẾ & ĐỜI SỐNG

Khi đã xác định nơi kiết cứ lâu dài, ông cha ta khẩn trương bắt tay vào tạo dựng cơ nghiệp. Ba thế hệ đầu là giai đoạn lao động cật lực, sớm hôm làm bạn cùng cây lúa, củ khoai, trái bắp…Nhằm chủ yếu là tự túc về lương thực. Tiêu biểu và thành đạt nhất giai đoạn này có các ông Hương Thuyền và ông Bá Công (thế hệ 3) và nhất là ông Bách Tuế (ông Tường) người lực nông đầu tiên từ tay không đã nhanh chóng trở nên giàu có mua được khá nhiều ruộng đất. Đến giữa thế hệ thứ 3, ông cha chúng ta mới làm quen với cây bông, cây mía. Đi đầu về kéo sợi, dệt vải, có ông Bá Công, về ép mía nấu đường thì có ông Hà Kiên (thế hệ thứ 4). Cuối thế hệ 4 và nhất là đến thế hệ 5, xuất hiện lớp lực nông mới ngày càng đông như các ông Bá Thiệu (giàu nhất thời này), những ông Hộ Kiên, Điển Tùng, Thủ Kế, Hương Lịch, Hương Du (từ tay không, đã có lúc phải nhờ vào vườn nhà thờ, nhưng nhờ lao động có kỹ thuật, chuyên sâu vào nghề dâu tằm mà trở nên giàu có). Ông Hương Nghĩa, Hương Sang (thế hệ 6) vừa phát huy kinh nghiệm sản xuất của ông Tường, vừa tìm tòi học hỏi kỹ thuật mới, nên đã cùng nhau đưa nền sản xuất trong tộc phát triển khá nhanh, như kỹ thuật cừ trúc cải tiến của ông Bá Thiện, kỹ thuật sụp đất trồng dâu của ông Hương Du, Hương Lịch (đào tới lớp phù sa vùi sâu dưới cát nóng để cắm hom dâu). Nhiều lò đường cải tiến có qui mô vừa ra đời (ông Thủ Kế, Thủ Thảng, Hương Nghĩa (thế hệ 5) ông Xã Yên (thế hệ 6); đội ngũ nữ dệt vải cũng đông dần trở thành chuyên nghiệp (các bà Khiêm, Trùm Niên, Hương Nghĩa, Hương Sang, bà Hòa, Thủ Bân, Hương Khuê…) đêm đêm thường khuấy động không gian yên tĩnh của vùng quê bằng tiếng thoi đưa và tiếng chày đập vải, giai đoạn này, đường và vải bắt đầu được thị trường biết đến. Đặc biệt có ông Tám Nhuyến (thế hệ 5) ra tận phủ Lạng Thương (Bắc Thái ngày nay) để học nghề tằm tơ, chụp ảnh. Ông Hương Mai tìm cách tiếp xúc với cơ sở dệt Di Loan ở cửa Tùng và học trộm công nghệ dệt “xo”, ông Hoè sử dụng bơm lắc tay để tưới ruộng, lớp trẻ như ông Trí, Hinh, Thanh tuy không chuyên nông nhưng cũng tìm các giống mía Peori vàng và 290-820-813 tím có năng suất cao đưa về nhân giống. Ông Đồng Hợi có sáng kiến làm nhà lắp ráp, đóng nhà “bồng” có thể di chuyển trên sông nước đưa vào phục vụ cho việc thu hoạch lúa nổi.

Tuy nhiên, nhìn lại thì kỹ thuật canh tác chưa có gì đổi mới, vẫn con trâu kéo cày, con người còng lưng cuốc đất, phân thì phân chuồng, nước vẫn là nước trời, chăn nuôi chưa được coi là nghề có thu nhập cao. Trong tộc chỉ có 1 con bò và không đến 10 con trâu, chủ yếu dùng sức kéo và lấy phân, chưa nghĩ đến việc chăn nuôi, để lấy thịt, ngoại trừ con heo, bầy gà vịt chủ yếu là để phục vụ cho giỗ, Tết hay hiếu hỷ. Hàng năm chỉ vào vụ gặt mới có những đàn vịt vài trăm con để tận dụng lúa rơi vãi ngoài đồng. Tuy là vùng 3 bề sông nước nhưng cá sông cũng hiếm, cá đồng cũng không, thường dùng cá biển từ mạn dưới đưa lên. Do vậy, cái ăn của dân chưa lấy gì làm ngon, mà cái no đôi khi cũng bị đe dọa nhất là lúc giáp hạt hay sau các trận lụt lớn, bát cơm độn thêm nhiều khoai hoặc bắp cho qua lúc khó khăn cũng là chuyện thường.

Như trên đã nói, 4 thế hệ đầu lấy nông nghiệp làm chính, với phương châm: cần cù lao động, làm ra nhiều của cải để dành cho con cháu, tự mình chỉ cần ăn no, mặc bền, không dám nghĩ đến cái ngon, cái đẹp, lại sống trong điều kiện thời tiết, vệ sinh có nhiều hạn chế, nên 5 thế hệ đầu, số thượng thọ không nhiều như các thế hệ sau, ngoại trừ: ông Bách Tuế (sống đến 104 tuổi). Ông Bá Bằng (90 tuổi), ông Thủ Thảng (94 tuổi), ông Thủ Bân (94 tuổi), ông Hương Nghĩa (80 tuổi), ông Đội Hoành (74 tuổi).

Về sau, con cháu ngày càng đông, đất không đủ để sản xuất, nên một số đã mạnh dạn đi tìm đất mới, lúc đầu thì đi gần như đến Đá Trắng, Ba Khe (Đại Lộc) khẩn hoang trong điều kiện khí hậu ác nghiệt (ông Điển Tùng, Biện Thặng, ông Hoè) chẳng bao lâu phải bỏ về vì bệnh tật và chết chóc, ông Đồng Hợi lập đồn điền Mỹ Thiện ở Hồng Ngự (cùng ông Ba La, Khiêm, Cầm, Kỳ…) sau vì chiến tranh cũng phải bỏ dở. Khoảng cuối những năm 1930, kẻ góp của (ông Viên Năm, Hương Mai, Hương Duy, Hương Khuê, Tín, Thanh…), người góp công (Đội Tế, Tám Út, Mười Thế, Hương Ẩn, ông Dũ…) cùng lập đồn điền Phủ Quỳ (Nghĩa Đàn, Nghệ An) có cả đất thổ và đất bãi ven sông, rất thuận lợi cho sản xuất và chăn nuôi. Có thời làm ăn phát đạt trâu bò vài chục con, bắp vài chục tấn, lúa gạo tạm tự túc được không thiếu mấy, rồi tuy không bị chiến tranh đe dọa, nhưng do quản lý chưa tốt, không có kế hoạch phát triển cụ thể, nên bị lụn bại dần rồi bỏ luôn (khoảng 1950).

Song song với việc chú trọng thâm canh cây lương thực, ông cha ta bắt đầu chú ý đến phát triển cây bông, cây thuốc, cây dâu, con tằm tạo điều kiện mở rộng nghề thủ công, thu hút nhiều lao động, gia đình nào cũng có tham gia. Lúc đầu chỉ có ông Ba Thiệu biết ươm tơ, dệt lụa, từ những năm 30 về sau, bắt đầu xuất hiện những lò ươm tơ dệt Châu Đốc (18-19 kén) sau chuyển qua ươm bằng máy (8-10 kén) với qui mô 10 đến 12 xa, có lò dùng tới 10-20 thợ ươm (Hương Mai, Hương Lịch, Hương Hường, Biện Tụy, Hương Du, Hương Thống, Xã Ngạc…). Bên cạnh những khung dệt vải, dệt lụa nay có thêm khung dệt thao, trũ (Biện Tụy) dệt lãnh với khung cải tiến (còn phải đạp chân) bắt đầu phát triển (Ba Liễu, Sáu Thành, Xã Ngạc, Nguyện) đặc biệt thêm mặt hàng “xo” lấy công nghệ từ cơ sở Di Loan với khung cửi dệt tay. Sản phẩm không đủ cung cấp cho thị trường. Trước kia, chỉ ông Bá Công xuất khẩu tại chỗ qua tay “các chú” ở Hội An, nay sản phẩm tương đối dồi dào nên việc xuất khẩu tại chỗ mạnh hẳn lên, có cả đường, bông, tơ …Theo đó cũng xuất hiện thêm các nhà buôn chuyến đường dài, đến Hà Nội, Sài Gòn, Châu Đốc, Miên với các mặt hàng cao cấp “tuýt xo”, lụa, lãnh, do các ông Hương Lịch, cha con ông Hương Mai…sản xuất, mà nhiều gia đình từ bần nông, đã trải qua nhiều lần tai họa bị trắng tay, nay nhờ vào lao động, cần mẫn, biết kết hợp công, nông, thương mà trở nên khá giả.

Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, ngoài đa số vẫn giữ nghề nông truyền thống, một số ít có tân học, bắt đầu thoát ly đi làm công chức (ông Trứ, Quýnh, Trác, Diệu ở Hải Phòng ông Ngự làm Giám học ở Phủ Lý, ông Tín ở Hội An, ông Duy ở Đà Nẵng, ông Tánh ở Sài Gòn…). Lớp thanh niên sớm theo con đường công thương ở đô thị, số ít đã trở thành tư sản có tiếng tăm được nhiều người biết đến (ông Đức Lợi, ông Hồng có xưởng cưa tại Sài Gòn, tập kết ra Bắc được Bầu đại biểu Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhiều khóa, về Nam là đại biểu nhân dân thành phố, một số làm việc ở các công sở, tư (ông An, Tám, Nghỉ, Bốn Cách…) hoặc làm y tá tư (ông Minh, Ba Định, Sáu Hành…).

Nhìn chung, giai đoạn 1920-1945 là thời kỳ cực thịnh về kinh tế có thêm thương nghiệp nên đời sống có phần khởi sắc, giao lưu với bên ngoài được mở rộng, con cháu đến trường nhiều hơn, con người ngày càng tiến bộ hơn.

Nhưng quê nhà từ ngày bước vào kháng chiến, tất cả các mặt đã phải chựng lại, rồi tan tác vì sự phá hoại của chiến tranh, chống Pháp rồi chống Mỹ, thiên tai tiếp tay cho địch họa, nhiều gia đình đã phải rời làng tìm đến những nơi yên ổn làm ăn sinh sống, xóm làng trở nên thưa thớt cho đến ngày hòa bình lập lại trên cả hai miền Nam Bắc.

(Quay về đầu trang)

QUÊ HƯƠNG: VĂN HÓA XÃ HỘI

Bốn thế hệ đầu, ngoài các ông Tường, Bá Công, Bá Thiệu, Xã Tưởng có vốn chữ Nho tương đối, còn phần đông ông cha ta dồn sức cho sản xuất, có học chăng cũng là số ít. Đến thế hệ 5, cuộc sống trong tộc có khấm khá hơn nên số người làm bạn với bút nghiên cũng đông hơn nhưng có mấy ai nghĩ đến việc khoa cử. Mãi đến khi có sự kiện “Ngũ phụng tề phi” (5 ông người Quảng Nam: Phạm Liệu (Điện Bàn), Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước), Phan Hoành (Duy Xuyên), Trần Quý Cáp (Điện Bàn), Ngô Lý (Cẩm Sa) cùng đậu tiến sĩ đầu thế kỷ 20 (1898) và tiếp theo là ông Nhu đỗ cử nhân, thì việc cố công đèn sách nhằm vào trường thi mới rõ nét. Một số các ông Chuân, Kỳ rồi đến ông Sâm, Viên Năm, Thủ Thảng, Khiêm, Ngự, Điển Thăng, Hương Mai và ông Viên Nhung (thế hệ 6) đều đã lều chõng ra đi, có người đến 2, 3 lần cũng không đỗ đạt, đành về quê tiếp tục nghề nông hoặc dạy học ở nhà. Đặc biệt ông Nhu tuy đỗ cử nhân, nhưng không chịu ra làm quan, mà về nhà dạy học và thành lập hội đồng môn, được lớp trẻ đến thụ huấn khá đông, khi ông mất (1904) đông đảo môn sinh đến lo việc tang lễ và cúng 5 sào đất tạ ơn. Riêng ông Viên Nhung nhờ văn hay chữ tốt, nên ngoài việc dạy học còn được bà con trong vùng, khi có hiếu kỷ, đến xin câu đối và viết liễn khá đông. Sang đầu thế kỷ XX song song với việc học chữ Nho, một số bắt đầu theo tân học và lần lượt thoát ly ra làm công chức ở khắp 3 kỳ: ông Đồng Hợi tốt nghiệp cao đẳng địa chánh, ông Duy (người đầu tiên tiếp xúc với anh ngữ) tốt nghiệp cao đẳng thương mại, ra làm ở ngành thuế quan, là tấm gương sáng thể hiện ý chí và quyết tâm cao trong học tập. Lớp sau có các ông Chương, Mễ, Liên…đậu thánh chung, tú tài toàn phần, bà Sa (tức Nguyễn Thị Bình) khi ra trường vừa lúc Cách mạng tháng 8 thành công, đã kịp thời phục vụ trong quân đội hoặc tham gia chính quyền Cách mạng. Nhìn chung về học vị và cương vị xã hội, ngoài ông Cử Nhu, tộc ta còn có các ông Trứ được tặng “Thị giãn học sĩ” (tòng tứ phẩm) của triều đình Huế, riêng bà Nguyễn Thị Bình, qua nhiều năm với chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam, Bộ trưởng Giáo dục và Phó Chủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Bà Thu Ba (1933) (con ông Tín) tốt nghiệp tiến sĩ hóa ở Pháp, là giáo sư tại các trường Châu Âu, có lúc giảng dạy cả ở Nhật. Rất tiếc là bà đã mất năm 1986 tại Pháp. Phải đến sau 1954, con cháu mới có điều kiện ăn học đến nơi đến chốn. Số tập kết ra Bắc, được Đảng và Nhà nước, tổ chức đào tạo tại chỗ hoặc gởi sang học ở các nước XHCN, số lánh cư trong Nam cũng có dịp để học tập tốt hơn, nhiều người đạt học vị cao: tiến sĩ, giáo sư, kỹ sư, bác sĩ hoặc tương đương, số tốt nghiệp Trung Đại học hiện nay không còn hiếm nữa.

Có kết quả như trên là nhờ ông cha ta đã quan tâm khuyến học từ nhiều thế hệ trước: ông Thiệu khởi xướng “Sào học điền” (quyên góp được 5 sào đất tốt để lấy tiền trợ cấp cho các con cháu nghèo hiếu học; hội đồng môn cũng trích một phần quỹ cho việc khuyến học. Ông Cử Nhu không ra làm quan mà về dạy học ở làng cũng có tác dụng động viên con cháu noi gương học tập. Các ông Hương Mai, Viên Nhung mở lớp dạy chữ Nho, ông Nhĩ, Thanh dạy chữ quốc ngữ, ông Mễ tổ chức các lớp học đêm cho người lớn thất học; ông Trứ vận động dân làng góp công, góp của xây dựng trường Tam Thôn (1936) thu hút con cháu ngại đến trường xa mà bỏ học, ông cũng đã từng nuôi 6 con em ăn học ở Hải Phòng (sau này có 5 người thành đạt ra làm tham tá, phán sự…) ông Hoè, ông Cửu Lương cũng tài trợ cho nhiều con cháu, còn có những hành động tuy nhỏ nhưng có tác dụng khuyến khích lớn như ông Ngự làm Đốc học ở Hà Nam, mỗi lần về thăm đều mang sách vở, giấy bút…để tặng cho các cháu ở trường làng. Tất cả đều là những nghĩa cử rất đẹp và cảm động.

Ngày nay, với truyền thống hiếu học nói trên, cùng những chính sách chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm nâng cao dân trí cho nhân dân, người lớn thất học trong tộc đã được thanh toán, số có điều kiện thuận lợi (như ở thành thị) đang tiếp tục phấn đấu, ngoài việc kiếm sống còn học thêm ngoại ngữ, vi tính, đi sâu vào khoa học kỹ thuật, quản trị kinh doanh, cho thích ứng với thời đổi mới và cống hiến nhiều hơn cho XHCN.

Về phong tục tín ngưỡng, dòng họ Nguyễn Đình xưa nay theo lễ giáo phong kiến, chịu ảnh hưởng của Đạo Phật, Đạo Khổng, nhưng không mấy ai đi chùa. Từ thế hệ này quan thế hệ khác, con cháu luôn khắc sâu công đức của tổ tiên, tôn kính phụng thờ, tin tưởng vào sự phù hộ của ông bà là chính. Mỗi gia đình đều có bàn thờ ông bà, đặt ở nơi trang trọng nhất, cũng có nhà lập thêm trang thờ Phật, thổ địa…Những ngày giỗ, ngày Tết (các chi lo giỗ các vị lớp trên chi mình) là ngày đông đảo con cháu nội ngoại tập trung về đi tảo mộ, tổ chức đèn nhang cúng bái, là cuộc hội tụ ấm tình ruột thịt, là dịp hiếm có trong năm để hàn huyên tâm sự, mâm cúng nhiều ít tùy thuộc vào số lượng người về dự nhưng luôn có những loại bánh bà con tự làm lấy: bánh thuẩn, bánh in, bánh giò…Ngày Tết còn có thêm xôi ngọt, bánh tổ…đậm đà hương vị quê hương. Bà con sống ở những nơi khác và cả số ở nước ngoài tuy xa xứ, nhưng vẫn không quên tập tục trên của dòng họ, tùy hoàn cảnh mà vận dụng.

Khoảng 1890 sau ngày 2 phái hội tụ, Tộc ta mới có nhà thờ cả, đến 1929 được tu bổ lại khang trang to đẹp hơn nhiều và là niềm tự hào của con cháu (có hai bia đá ghi công đóng góp xây dựng, đã bị thất lạc trong chiến tranh, ta biết phần đóng góp của ông Trứ là trội hơn cả). Việc Xuân Thu nhị kỳ được vận dụng linh hoạt cho đến ngày nay. Tế Xuân và Thanh minh thì kết hợp với ngày húy của Ngài Thế Tổ (20-2 âm lịch), Tế Thu thì kết hợp với ngày giỗ của bà Thế Tổ (12-8 âm lịch).

Ngày thường việc cúng giỗ ở nhà thờ, ông từ phải lo hương khói. Ngày giỗ các vị thế hệ 2 và thế hệ 3, do ông Biện sắm sửa lễ vật (thường đơn giản có cháo, chè, xôi) các vị kỳ lão phân công nhau đến cúng bái.

Riêng Tế Xuân (lễ chính trong năm) việc phân công có cụ thể hơn. Thường phải huy động một lực lượng đông đảo con cháu để làm vệ sinh trong ngoài nhà thờ, trang trí, sắp đặt và tập dượt các nghi thức do ông Điển lễ hướng dẫn.

Sáng sớm 19-2 âm lịch, một số cháu trai và rễ mới đi tảo mộ ở các hướng, người dẫy cỏ, đắp mộ, kẻ tẩy rêu, kẻ lại chữ son trên các mặt bia, ông Biện lo việc giết heo mổ bò, hướng dẫn các mẹ các chị nấu nướng, các cụ thì kiểm tra đốc thúc mọi việc để kịp làm lễ tiên thường vào buổi chiều và chuẩn bị cho buổi lễ chính thức vào sáng mai.

Hôm sau lễ chính thức được cử hành theo nghi thức cổ truyền với chiêng trống, đội nhạc, đội học trò lễ, người xướng người đọc văn tế và các chánh thứ bái tề tựu trước bàn thờ; vào lễ, các bước tiến hành nhất cử nhất động đều phải theo lệnh xướng của người điều khiển. Buổi lễ thường kéo dài 1 giờ và sau đó chuẩn bị vào tiệc. Với đông đảo khách mời và con cháu nội ngoại ăn uống linh đình (với rượu, thịt heo, bò và bánh trái do con cháu mang đến cúng), Thanh minh là lễ lớn trong năm nên vừa mang tính giỗ, chạp vừa mang tính hội hè, với pháo nổ, cổ nhạc và chiêng trống vang vọng suốt ngày đêm. Đặc biệt năm khánh thành nhà thờ cả (1929) và những năm được mùa, có tổ chức đốt pháo bông được đông đảo nhân dân trong vùng, có nơi xa đến hàng chục km cũng rủ nhau đến thưởng ngoạn.

Nhưng rồi chiến tranh lan rộng, vì quyền lợi dân tộc con cháu đành tự tay đập phá nhà thờ, đình, chùa thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Từ năm 1948 về sau, việc tế tự trong Tộc bị gián đoạn. Tuy việc giỗ chạp vẫn được các gia đình duy trì, nhưng con cháu vẫn cảm thấy tủi lòng vì việc thờ cúng thiếu phần trang nghiêm. Rồi giặc Mỹ đến triệt hạ tất cả nhà cửa, cây cối và tệ hại nhất là cả mồ mả của tổ tiên Tộc ta, đụng đến tín ngưỡng thiêng liêng của con người , đau lòng nhất là hiện nay còn một số gia đình không tìm được hài cốt ông bà để quy tụ về nghĩa trang mới Tân Phong.

Trước kia. Ông Bách Tuế (tức ông Tường _ Trưởng Phái nhì) có làm nghề thầy pháp, nhưng về sau thôi hành nghề, ông không chịu truyền lại cho con cháu mà còn đốt tất cả sách vở liên quan trước khi qua đời. Từ đó những thủ tục mê tín dị đoan như lập đàn cúng bái hay động mồ mả, cũng thưa dần cho đến mất hẳn. Ngày nay phong tục cưới hỏi, ma chay đều đơn giản, không có ăn uống rượu chè lê thê nặng nề như trước. Thường vào dịp Tết có những trò giải trí vui chơi nhẹ nhàng như: đánh các tê, xì lác, bài trùng, tứ sắc, cờ tướng…) nhưng không mang tính sát phạt nhau. Đại chúng và mang tính văn hóa lành mạnh nhất là môn bài chòi, hát bội hoặc thắt bùa chúc mừng năm mới, được đông đảo nhân dân trong vùng cùng tham gia đông vui như ngày hội.

Sau ngày Miền Nam được hoàn toàn giải phóng việc xây dựng lại nhà thờ sớm được đề ra, nhưng khả năng tài chánh chưa cho phép tuy nhiên việc Xuân Thu nhị kỳ được khôi phục lại ngay, địa điểm dựa vào nhà tư và con cháu nội ngoại lại có dịp hàng năm họp mặt hàn huyên.

Mãi đến 1991, con cháu mới đóng góp được một số tiền ( con cháu ông Xã Yên đóng góp phần nhiều nhất) tuy chưa đủ nhưng cũng mạnh dạn tiến hành xây cất phòng chánh và hậu tẩm để sớm có nơi thờ phụng được trang nghiêm. Sau hơn 3 tháng thi công (từ 20/6 đến 20/9 năm 1991) đã hoàn thành và Tộc đã tổ chức lễ khánh thành vào dịp Thanh minh 1992 có trên 400 con cháu nội ngoại về dự (nhà thờ mới được xây dựng trên vườn của ông Thị Trứ) có thêm ông Đậu ở TP.HCM ra cùng chỉ huy công trình. Năm 1993 đã xây thêm bình phong, trụ biểu và bờ thành. Hiện còn lại nhà tiền đường đang kêu gọi con cháu đóng góp thêm để hoàn tất công trình.

Như trên đã nói, sống giữa thời buổi phong kiến, triết lý Khổng Mạnh đang thịnh hành, con cháu luôn chịu sự giáo dục, giám sát chặt chẽ của gia đình; yêu cầu trước tiên là phải là phải chăm chỉ làm ăn, cần cù lao động để đời sống ngày càng khá hơn. Về đạo đức thường lấy “trọng nghĩa khinh tài” ăn ở thủy chung, đoàn kết thân ái làm trọng, quan niệm “ở hiền gặp lành” khuyến khích làm việc thiện, tu nhân tích đức để phước lại cho con cháu đời sau. Về xã hội, đòi hỏi phấn đấu tam cương ngũ thường, trai phải đề cao tứ đức, gái phải coi trọng tam tòng, tứ hạnh. Việc học hành phải theo phương châm tiên học lễ hậu học văn, nhờ đó mà mọi việc đều vào khuôn phép, gia đình êm ấm, xã hội có trật tự kỷ cương. Một vài gương về lòng nhân ái được nhân dân trong vùng ca ngợi: (ông Tẩy, tuy nghèo nhưng luôn tìm đến động viên giúp đở khi có người ốm đau, gặp tai nạn hay ma chay; ông Xã Yên đã mở rộng chữ hiếu, dù có mẹ và vợ, vẫn tự thân chăm sóc bà nội ghẻ bị bại liệt mù lòa suốt 5-6 năm trời, khi làm Lý trưởng, luôn vui vẻ ăn cơm nhà, làm việc xã, không bao giờ nhiễu sách hà hiếp nhân dân, luôn quan tâm giúp đở mọi người khi gặp khó khăn. Trong Tộc có nhiều gương phấn đấu kiên trì theo đạo tam tòng, mà tiêu biểu có các bà Đoàn Thị Quảng (thế hệ 4) và Đổ Thị Ái (thế hệ 5) mỗi người được vua ban thưởng biển vàng có bốn chữ ‘Tiết hạnh danh văn” (năm Bảo Đại 12). Ông Tường, tức ông Bách Tuế (thế hệ 2) được vua tặng bảng vàng hai chữ “Thọ dân” (năm Tự Đức 30) để biểu dương phong cách sống và giáo dục ý thức kính lão đắc thọ khuyến khích đời sau. Việc công đức luôn được ông bà quan tâm đóng góp, thể hiện qua các lần xây dựng nhà thờ, trường học…(đặc biệt nhà thờ cả 1929 được bề thế trang nghiêm là nhờ sự hưởng ứng của toàn Tộc, riêng ông Trứ cúng nhà thờ 1 bàn hương án và 1 cho đình Tam Thôn) một số khác cúng; liễn, son, chiêng, lư …

Về hoạt động xã hội từ thế hệ 4 trở đi, ý thức quốc gia dân tộc đã rõ dần như ông Đội Hoành (thế hệ 4) làm đội trưởng nghĩa hội, ông Diêu (thế hệ 5) làm nhân viên hội hiệp thương ở Hội An, hoạt động để lấy tiền nuôi du học sinh. Trong phong trào Duy Tân, Cần Vương, Đông Kinh, Nghĩa Thục, chống sưu cao thuế nặng tại Quảng Nam trước đây đều có một số ông tham gia. Tinh thần dân tộc, tư tưởng chống thực dân vào thế hệ 6 có rõ nét hơn: ông Nhĩ, học lớp đệ tam ở Huế đã tham gia bãi khóa phản đối chế độ hà khắc của nhà trường bị chính quyền buộc nghỉ học về quê; ông Thanh (1942-1944) đang học dở dang cũng phải bỏ học về quê vì làm cộng tác viên cho báo Tiếng Dân, Phụ Nữ tân văn, Đông pháp thời báo, mà bị chính quyền theo dõi răn đe liên tục.

Những năm đầu CMT8, tại quê nhà, nhờ công tác tuyên truyền giác ngộ của Việt Minh mà ý thức độc lập dân tộc được thể hiện mạnh mẽ qua các đợt vận động “Tuần lễ vàng” “Tuần lễ đồng”… đa số thanh niên có điều kiện đã hăng hái gia nhập Vệ quốc đoàn (Nhi Trĩ, Yên Trị…) số ở nhà tích cực tham gia dân quân, du kích và bị hy sinh khá nhiều.

Đặc biệt, suốt thời gian dài dưới ách đô hộ của Pháp Nhật, qua 30 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ đầy ác liệt, con cháu Tộc Nguyễn Đình không có một ai can tâm phản bội lại quê hương đất nước. Cũng có người vì hoàn cảnh nào đó phải miễn cưỡng làm việc cho địch, nhưng vẫn trung thành với cách mạng, với nhân dân. Dân trong vùng đều khâm phục gương chống giặc, giữ làng và anh dũng hy sinh tại địa phương của ông Phong, Nhã…gương kiên trì trụ bám giành dân giữ đất nhiều năm giữa vành đai trắng của các ông Chuyển, Thùy và bà Trang …vô cùng thương tiếc cái chết oan uổng của ông Quang Thanh đã không vì danh lợi, trong nhiều năm liền nhận trách nhiệm hoạt động 2 mặt để che chở đùm bọc bà con, giải tỏa nghi ngờ của địch, làm công tác phát chẩn cứu đói, cung cấp tình hình địch cho cán bộ ta hoạt động tại địa bàn. Theo thống kê chưa thật đầy đủ trên 40 liệt sĩ con cháu Tộc Nguyễn Đình đã ngã xuống trên khắp mọi miền đất nước, cả trên đất bạn, góp phần xương máu vào chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975. Bà Trần Thị Lài được Nhà nước tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng năm 1994. Nhiều cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân VN hiện đang công tác hay đang tại ngũ, nhiều người được cử giữ cương vị cao, hoặc đã nghỉ hưu, chuyển ngành đã được Nhà nước khen thưởng với nhiều thứ hạng cao.

Với truyền thống quý báo của cha ông chúng ta đã hun đúc từ xưa đến nay qua các thời kỳ lịch sử của đất nước, Tộc Nguyễn Đình rất tự hào về những đóng góp của đông đảo con cháu cho non sông đất nước, cho quê hương xứ sở xứng đáng với danh hiệu cao quí mà Nhà nước đã khen tặng cho tỉnh nhà “Quảng Nam anh dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”.

(Quay về đầu trang)

QUÊ HƯƠNG: SAU NGÀY GIẢI PHÓNG

Chiến thắng mùa Xuân năm 1975 đã đem lại hòa bình, độc lập và thống nhất cho cả nước. Hòa với niềm vui chung của dân tộc, bà con Tộc Nguyễn Đình từ các nơi, cũng lần lượt trở về thăm quê hương. Gặp nhau xiết bao mừng tủi. mọi người trao đổi thông tin kẻ còn người mất, cuộc sống thăng trầm qua mấy thập niên ly tán. Cùng đau xót cho mảnh đất xưa kia thân thương là vậy, mà nay chỉ là một vùng đất hoang vu, đã bị ủi đi xới lại nhiều lần do xe tăng, máy bay trải thảm, bom cháy, nay lau sậy phủ bịt bùng. Những gia đình đã từng bám trụ, gắn bó với quê hương không còn bao nhiêu, hầu hết là những cán bộ nồng cốt của phong trào, trong đó có một số cô đơn, sức khoẻ yếu, tài sản riêng chẳng có gì đáng kể.

Sau một thời gian ngắn, vài gia đình ở Miền Bắc, Miền Trung cũng nối tiếp trở về, cùng với số ở lại chưa tới 20 hộ trong Tộc, quây quần, đùm bọc nhau xây dựng lại cuộc sống, kiến thiết lại quê hương.

Vượt qua tình cảnh khắc nghiệt sau chiến tranh, những hậu quả nặng nề còn để lại: bom, mìn, dây kẽm gai, chất độc hóa học và sự hủy diệt hoàn toàn các cơ sở vật chất, kỹ thuật kể cả đình, chùa, mồ mả tổ tiên…những con người đã từng gắn bó với quê hương , giờ lại phải đối mặt với bao gian khổ, khó khăn, từng bước xây dựng lại xóm làng dựa vào sức mình là chính.

Với đà phấn khởi của chiến thắng, lòng mừng vui được trở về quê cũ, do yêu cầu bức thiết của cuộc sống, cùng một số gia đình các tộc khác đồng tâm hiệp lực, mọi người khẩn trương lao vào thực tế trước mắt: rà tháo bom mìn, dọn dây kẽm gai, dựng tạm nhà cửa, phân bố ruộng đất, phục hóa trồng trọt, quy tập mồ mả về nghĩa trang mới ở đồi Tân Phong (Duy Xuyên), vừa sản xuất vừa củng cố bộ máy lãnh đạo, bảo đảm an ninh xóm làng sau giải phóng. Tộc Nguyễn Đình có được thuận lợi may mắn hơn, còn một số cốt cán như ông Nguyễn Đình Chuyển, Nguyễn Đình Thùy và Mười Trang, ông Ba, gia đình ông Dũ…vừa có kỹ năng lao động sản xuất, vừa là những người lãnh đạo nòng cốt trong thôn xã địa phương. Tiếp theo là ông Nguyễn Đình Duyên, một đại diện tiêu biểu cho gia tộc, cán bộ tập kết, trở về tham gia công tác ở quê nhà, giữ vị trí trung tâm tập hợp lực lượng.

Với truyền thống lao động cần cù, đoàn kết đùm bọc nhau, năng nổ nhiệt tình, trải qua 20 năm phấn đấu, kiên trì, đến nay bộ mặt quê hương đã có nhiều đổi mới, đời sống đang đi lên với những bước tiến đáng kể. Các ngành nghề sản xuất truyền thống như: trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa đã được phục hồi theo chiều hướng công nghiệp; công cuộc điện khí hóa, thủy lợi hóa nông thôn, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, đưa cây lúa từ 1 vụ lên 3 vụ; các công trình văn hóa, giáo dục, phúc lợi công cộng cũng được triển khai đồng bộ, nâng cao đời sống tinh thần, dân trí. Phần lớn các gia đình đã có cái ăn cái mặc tương đối đủ và có phần dành dụm, từng bước đầu tư tiếp cho sản xuất và đời sống: nhà cửa đã ngói hóa 90%, diện thắp sáng, loa phát thanh, cát xét, ti vi, xe máy…không còn hiếm thấy nữa; các gia đình hoàn cảnh neo đơn cũng được sự quan tâm chăm sóc của cộng đồng; các em, các cháu đã có điều kiện học hành tốt hơn, đầy đủ hơn ở mọi cấp phổ thông. Việc thống kê, xác nhận các gia đình liệt sĩ, những bà mẹ VN anh hùng đã và đang tiếp tục tiến hành.

Những năm 1991-1992-1993 với sự đóng góp của bà con trong và ngoài nước, Tộc ta cũng đã xây dựng lại ngôi từ đường khang trang, đẹp đẽ giúp việc thờ cúng tổ tiên được trang nghiêm hơn. Gia phả của Tộc cũng được tu chỉnh lại tương đối hoàn chỉnh, là hai công trình có giá trị tinh thần đáng kể, giúp con cháu tìm hiểu về cội nguồn và phát huy truyền thống gia tộc. Hiện nhà thờ còn thiếu tiền đường, đang mong đợi con cháu tham gia đóng góp thêm để hoàn tất công trình.

Nhìn chung, hai mươi năm đóng góp cho sự phục hồi và xây dựng lại quê hương, bằng khả năng lao động của một bộ phận nhỏ trực tiếp ở quê nhà là chính, thời gian chưa phải là dài, nhưng sức người cũng có hạn, những thành tựu đạt được là niềm tự hào, sự cổ vũ mạnh mẽ cho tất cả bà con xa gần trong gia tộc hướng về quê hương.

Suy nghĩ như thế nào đây, về ngày mai của xứ sở! Sau bao nhiêu năm sống trong hoàn cảnh địa lý khắc nghiệt buộc con cháu Tộc Nguyễn Đình phải luôn năng động để tồn tại và phát triển. Nhờ vậy mà Tộc đã nhanh chóng trưởng thành trên các phương diện. Nhưng khoảng 5-10 năm trở lại đây, cũng do hậu quả chiến tranh, nhịp độ tăng trưởng như dần chựng lại. Cây lúa tuy có được tăng vụ, nhưng không bù lại sự thưa thớt của cây bắp, cây đỗ, cây bông, con tằm, ảnh hưởng đến nghề dệt vải, ươm tơ đã một thời mang lại sự phồn vinh cho xứ sở, nay cũng đang dần mai một. Đất đai bị thu hẹp, xuống cấp, ngành nghề đơn điệu, khiến dân làng lần lượt ra đi để lại vùng quê ngày dần thưa vắng.

Trong thời đại của tiến bộ vượt bực về khoa học và kỹ thuật, công nghiệp hiện đại, quê hương xứ sở ta chỉ có thể phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ hơn khi các cơ sở hạ tầng được từng bước hoàn chỉnh. Nên chăng, cần gấp rút tìm tòi, suy nghĩ phương cách làm ăn mới, kịp thời tìm lối ra cho một số vấn đề: phát triển ngành nghề, con sông, dòng chảy, các bến cảng cần thiết và con đường huyết mạch nối với Quốc lộ 1 nhằm giao lưu thông thoáng với nền kinh tế thị trường…và xu hướng bỏ làng ra đi ở lớp trẻ.

Chúng ta hy vọng rằng, các thế hệ mai sau, với tinh thần phát huy truyền thống gia tộc, sẽ phấn đấu đạt những thành tựu cao hơn nữa, đền đáp công đức tổ tiên, đưa đất nước, quê hương ngày càng văn minh, thịnh vượng.

(Quay về đầu trang)

(Quay về Trang chủ)

Untitled Document
Copyright ©2010 www.tocnguyendinhnakham.com - All rights reserved.
Địa chỉ số A2/48D Ấp 1, Đường Liên Ấp 1, 2, 3, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM
Email: toc-nguyen-dinh@googlegroups.com
https://www.facebook.com/nguyendinhnakham